Bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sau 30 năm kể từ thời kỳ Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã từng bước xây dựng được cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nền kinh tế đã chuyển dần từ tư duy nông nghiệp sang tư duy công nghiệp, kéo theo sự tăng trưởng nhanh của quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân thấp đã vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từ đó cũng được nâng cao.[6] Ảnh hưởng của sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.[7] Ngày 9 tháng 12 năm 2000, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 về "đổi mới chương trình giáo dục phổ thông"[8], quyết định này đã dẫn đến việc ra đời chương trình giáo dục phổ thông 2006, hay phổ biến với tên gọi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.[9] Trước chương trình hiện hành là các chương trình cải cách giáo dục vào các năm 1951, 1956 và 1981.[10]

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".[11][12] Tiếp sau đó, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành nghị quyết số 88/2014/QH13 về "đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông",[13] nhằm hiện thực hóa tinh thần nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[14] Chương trình này được chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt vào ngày 27 tháng 3 năm 2015, bằng quyết định số 404/QĐ-TTg do Vũ Đức Đam ký ban hành.[15] Ngày 17 tháng 1 năm 2017, dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Renovation of General Education Project (RGEP)) do Bộ Giáo dục và Đào tạoNgân hàng Thế giới chính thức được triển khai với tổng kinh phí 80 triệu đô la Mỹ, trong đó bao gồm 77 triệu đô la từ vốn vay ODA ưu đãi và 3 triệu đô la vốn đối ứng.[16] Dự án dự kiến tác động đến toàn hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.[17] Ngày 12 tháng 4 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên.[18] Sau khi công bố dự thảo chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động quá trình lấy ý kiến đóng góp từ người dân.[19] Đến ngày 26 tháng 12 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, chính thức đánh dấu sự ra đời của chương trình giáo dục phổ thông mới.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 //doi.org/10.15625%2F2615-8957%2F12220114 http://daidoanket.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-tho... http://daidoanket.vn/hang-tram-lua-chon-to-hop-mon... http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-4... http://vjes.vnies.edu.vn/vi/thuc-trang-quan-li-thu... http://grep.moet.gov.vn/ https://www.youtube.com/watch?v=M3Iji46HJ-4 https://www.youtube.com/watch?v=bCB1v3A7unY https://www.youtube.com/watch?v=pCNN--qNvr0 https://cvdvn.net/2017/12/28/viet-nam-hoc-duoc-gi-...